- 1. Khai thác Nguyên Vật Liệu
Tranh da quy được tạo ra từ hơn 50 loại đá quý và bán quý với các màu sắc khác nhau, được khai thác từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam từ Yên Bái, Nghệ An đến Lâm Đồng, Gia Lai, Daklak …
Các mỏ đá thường nằm cheo leo trên các ngọn núi nên những người khai thác thường dựng những căn lều tạm trên các sườn núi để khai thác đá và họ chỉ xuống một đến hai lần mỗi tháng để mua gạo và thức ăn.
Người làm đá thường phải đào sâu vào núi rồi gùi tất cả đất trong hang ra suối đãi để chọn ra loại đá có thể dùng làm tranh. Vì là đá quý nên mỗi gùi đất người ta chỉ chọn được vài viên bé bằng hạt gạo; trung bình mỗi tháng mỗi người đào đá chỉ có thể kiếm được từ 1-2 kg.
- 2. Chuẩn bị nguyên vật liệu
Sau khi khai thác xong, những người thu mua sẽ đến gom 1-2 lần mỗi tháng từ những người khai thác khác nhau. Những người này sẽ làm sạch đá bằng cách ngâm vào axit để loại bỏ các tạp chất bám xung quanh viên đá và phân loại chi tiết sao cho màu sắc đạt được độ đồng nhất cao hơn, vì mỗi chi tiết của bức tranh đòi hỏi phải có màu sáng tối khác nhau nên chỉ một sự thay đổi nhỏ của màu đá cũng làm bức tranh thay đổi
Mỗi chi tiết của bức tranh đều có độ ghồ ghề khác nhau: Ví dụ như mặt nước phải bằng phẳng nên đá để làm mặt nước phải mịn, thân cây có thể ghồ ghề nên đá dùng để làm thân cây phải dùng hạt to... Do đó, với mỗi loại đá, người ta phải giã, sàng, rửa, sấy khô và dùng nam châm để hút hết các mạt sắt rớt ra từ chày và cối trong suốt quá trình giã để mỗi loại đá phải có những cỡ đá khác nhau từ loại mịn như bột đến loại trung như hạt gạo hoặc lớn hơn như hạt bắp...
- 3. Làm tranh
Sau bước chuẩn bị xong nguyên vật liệu, người họa sĩ sẽ phải vẽ phác thảo bức tranh cần làm trên nền mica, sau đó người nghệ nhân sẽ rắc từng hạt đá lên từng chi tiết sao cho bức tranh phải sắc sảo, có hồn. Tùy vào kích thước cũng như độ phức tạp, mỗi bức tranh có thể được lhoàn thành trong khoảng thời gian từ 1 tuần đến vài tháng.
Cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 50 màu đá khác nhau nhưng để tạo ra một bức tranh, mỗi màu đá phải thay đổi độ đậm nhạt tùy vào góc nhìn nên người thợ phải biết cách pha trộn sao cho có thể tạo ra hàng ngàn màu sắc để làm nên một bức tranh có giá trị thẩm mỹ. Đây chính là bí quyết mà mỗi người nghệ nhân tự đúc kết cho mình sau nhiều năm làm nghề; vì vậy, dù chỉ với một mẫu tranh nhưng những người thợ khác nhau sẽ cho ra những bức tranh khác nhau, và cho dù một người làm thì chúng cũng không hoàn toàn giống nhau qua những lần làm khác nhau.
Chính sự kết hợp màu sắc và cách sử dụng đá một cách hài hòa là bí quyết để tạo nên những bức tranh độc đáo của những nghệ nhân. Và đây cũng chính là điểm đặc biệt mà bất kỳ người chơi Tranh da quy sành điệu nào cũng ưa thích: Đó là sự “không đụng hàng” trong thú chơi đẳng cấp này.